Rào Cản Ngôn Ngữ Và Lớp Học ESL
Những ngày đầu học high school mình đã gặp rất nhiều khó khăn, trong đó giao tiếp là một trong
những thử thách lớn nhất. Mặc dù đã có nền tảng tiếng Anh cơ bản, nhưng khi đối diện với người bản xứ, mình cảm thấy rất khó để nghe và phản ứng
nhanh. Đặc biệt, khi họ nói nhanh hoặc sử dụng tiếng lóng, mình gần như không thể hiểu được. Mình được vào lớp học ESL (English as a Second
Language) ở high school. Không chỉ học ngữ pháp, từ vựng mà còn luyện tập kỹ năng nghe và nói cùng những người bạn đến từ nhiều quốc gia khác nhau
như Mexico, Guatemala. Dù vậy, mình vẫn ngại khi giao tiếp bên ngoài lớp học, sợ rằng mình sẽ nói sai hoặc đối phương không hiểu. Mãi sau này mình
nhận ra rằng, chỉ có luyện tập nhiều mới giúp mình tiến bộ. Đã có những lần mình cúp tiết của lớp diễn thuyết đơn giản chỉ vì ngại đứng trước đám
đông và dùng vốn tiếng anh bập bẹ của mình.
Văn Hóa Tiền Tip
Ở Việt Nam, văn hóa tiền tip không phổ biến, nhưng ở Mỹ, nó
lại gần như là một quy tắc bất thành văn. Ban đầu, mình cảm thấy khá lúng túng khi phải tính toán số tiền tip mỗi lần đi ăn ở nhà hàng hay sử dụng
dịch vụ. Dần dần, mình học được cách chấp nhận và coi đó như một phần của cuộc sống. Mình cũng hiểu rằng, đối với nhiều nhân viên phục vụ, tiền tip
là một phần chính trong thu nhập của họ, nên việc để lại tip hợp lý không chỉ là phép lịch sự mà còn thể hiện sự tôn trọng.
Chia Bill
50/50
Một điều khiến mình khá bất ngờ khi thấy vợ chồng chia bill 50/50 với nhau khi đi ăn. Người Mỹ là họ thường có thói quen chia
bill 50/50 hoặc mỗi người tự thanh toán phần của mình. Ở Việt Nam, việc một người chủ động trả bill khá phổ biến, nhưng ở Mỹ, điều này ít xảy ra hơn.
Mình nghĩ điều này giúp mọi người cảm thấy công bằng hơn. Bản thân mình cũng ủng hộ việc này vì khi sống với nhau các cặp đôi sẽ có những mâu thuẫn
và khi tranh cãi chúng ta thường nói về công bằng trên nhiều khía cạnh.
Tự Nấu Đồ Ăn Việt
Một trong những điều khiến mình
nhớ nhà nhất khi qua Mỹ chính là đồ ăn Việt Nam. Ở những thành phố lớn, có thể dễ dàng tìm thấy nhà hàng Việt, nhưng không phải lúc nào hương vị cũng
giống như ở quê hương. Ngoài ra, giá cả và chất lượng là điều mình cân nhắc khi ăn ngoài. Vì vậy, mình dần hình thành thói quen tự đi chợ mua
nguyên liệu và tự nấu những món ăn quen thuộc như phở, bún bò, cơm tấm. Những lần đầu, mình gặp khó khăn vì để nấu được một món ăn thì khá là cầu kỳ,
từ công đoạn xem Youtube hướng dẫn cách nấu đến khi nấu xong vì quá lâu nên mất cảm giác thèm ăn. Sau này có các clips ngắn trên Tiktok đã rút ngắn
quy trình nấu ăn và mình ngày càng thành thạo và trở thành master chef cho riêng mình.
Giao Thông Và Phong Cách Sống Khác Biệt
Ở Mỹ, việc đi lại chủ yếu dựa vào ô tô, và hệ thống giao thông công cộng không phải lúc nào cũng thuận tiện như ở Việt Nam, không có grab bike phóng
bon bon trên đường và khoảng cách giữa các địa điểm khá xa nhau nên việc có bằng lái xe và sắm xe là điều phải được ưu tiên khi đến Mỹ. Bên cạnh
đó, phong cách sống của người Mỹ cũng có nhiều điểm khác biệt. Họ rất coi trọng sự riêng tư, tôn trọng không gian cá nhân và có thói quen lên lịch
hẹn trước khi gặp gỡ. Nếu ở Việt Nam, bạn có thể ghé thăm nhà bạn bè bất cứ lúc nào mà không cần báo trước, thì ở Mỹ, điều đó có thể bị coi là bất
lịch sự. Mình dần học được cách thích nghi với điều này và hiểu rằng mỗi nền văn hóa đều có những giá trị riêng.
Đơn Vị Đo Lường
Một điều khiến mình lú khi mới sang Mỹ đó là các đơn vị đo lường. Ở Việt Nam, chúng ta quen thuộc với độ C, km, kg, lít, nhưng ở Mỹ, họ dùng độ F,
dặm, pound, gallon. Ví dụ, khi xem dự báo thời tiết, mình mất một thời gian để quen với việc 70°F là ấm áp, còn 32°F là gần mức đóng băng. Khi mua
sắm thực phẩm hay nấu ăn, mình cũng phải học cách quy đổi đơn vị để tránh nhầm lẫn. Đến bây giờ, mình vẫn chưa nhớ chính xác một gallon bằng bao
nhiêu lít.